Đầu tháng này, Tập đoàn Vingroup đề nghị với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa kế
hoạch xây dựng trung tâm hành chính mới (phường Đông Hải) và khai thác
quỹ đất tại khu hành chính cũ (phường Điện Biên). Theo kế hoạch nhiều
hạng mục sẽ được triển khai như: trung tâm thương mại, khách sạn cao 25
tầng và biệt thự liền kề trên tổng diện tích trên 50.000 m2.
Chưa có bất kỳ con số về tổng mức đầu tư hai dự án kể trên, song nhìn
về quy mô có thể thấy tiềm năng kinh tế tại địa phương Bắc miền Trung
chính là sức hút đối với ông lớn bất động sản này.
|
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là sản phẩm chính được giới địa ốc đổ vốn đầu tư tại các địa phương. Ảnh: T.T
|
Hồi tháng 7 năm ngoái, một dự án khác là khu nhà hỗn hợp FLC
Complex Thanh Hoá quy mô vốn 1.200 tỷ đồng được Tập đoàn FLC khởi công,
nối tiếp một dự án nghỉ dưỡng trị giá 5.500 tỷ đồng khác cũng của doanh
nghiệp này. Ngoài ra, theo bản ghi nhớ ký với UBND tỉnh Thanh Hóa trong
năm 2014, doanh nghiệp địa ốc này sẽ đầu tư nhiều dự án bất động sản
thuộc nhiều phân khúc tại địa phương.
Cùng với Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Ninh Bình... Thanh Hóa cùng
một số địa phương khác đang là những địa chỉ mới có sức hút với các đại
gia bất động sản thời gian gần đây. Dù vậy, theo các chủ đầu tư, việc
kinh doanh tại địa phương không phải lúc nào cũng "thuận buồm xuôi gió".
Đang trong giai đoạn chuẩn bị triển khai dự án đô thị mới Tây Nam tại
Việt Trì (Phú Thọ), dù có kinh nghiệm và thương hiệu tích luỹ qua nhiều
dự án quy mô tại Hà Nội và TP HCM, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Dầu
khí Toàn cầu (GP.Invest) - Nguyễn Quốc Hiệp cũng tỏ ra khá thận trọng
khi đánh giá về thị trường mới sắp tham gia.
Chia sẻ với VnExpress, vị này cho biết lý do để GP Invest
quyết định đầu tư tại tỉnh trung du miền núi phía Bắc là do dự án nằm vị
trí khá đẹp ngay giữa thành phố. Quan trọng hơn sau khi có quỹ đất
sạch, hạ tầng cơ sở hoàn thành việc bán đất nền sẽ giúp doanh nghiệp
giải quyết được một phần vốn đầu tư. Dù vậy, ông vẫn không kỳ vọng nhiều
sức hút thị trường tại địa phương này. "Lúc này tôi chưa dám khẳng định
tốt vì hầu như sức mua sản phẩm tại hầu hết các tỉnh vẫn kém, nhất là
từ người dân bản địa", ông Hiệp bày tỏ.
Ngoài đầu tư khu đô thị tại Hải Dương và dự án nghỉ dưỡng tại khu du
lịch biển một số tỉnh phía Nam, Ninh Thuận đang là địa điểm rót vốn của
Công ty CP Đầu tư bất động sản Thành Đông. Thông qua hình thức đổi đất
lấy hạ tầng, sau khi công viên biển Bình Sơn (Phan Rang, Tháp Chàm) được
khánh thành hồi tháng 10 năm ngoái, doanh nghiệp này đã nhận được 5 ha
đất để triển khai các hạng mục khách sạn, resort, khu đô thị phía
Đông...
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, dù dự án nhận được sự hỗ trợ tích cực từ
lãnh đạo địa phương, song việc thi công tại vùng đất điều kiện tự nhiên
khắt nghiệt như Ninh Thuận đã ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ các hạng
mục, trong đó có nhiều công trình đang triển khai.
Dày dặn kinh nghiệm tại thị trường tỉnh lẻ với từ phân khúc cao cấp,
bậc trung đến nghỉ dưỡng, lãnh đạo Công ty Cổ phần Max Việt Nam - chủ
đầu tư của hàng loạt dự án tại Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long (Quảng
Ninh)... thừa nhận đầu tư tại địa phương thuận lợi lớn nhất là chi phí
xây dựng, giá đất lẫn giá bán đều khá rẻ.
"Với các sản phẩm đặc thù, 40-60% khách hàng của công ty đến từ Hà Nội
và TP HCM. Am hiểu thị trường để đáp ứng đúng nhu cầu của những người có
tiền là trở ngại lớn nhất của mỗi nhà đầu tư. Không phải lúc nào đơn vị
cũng có sẵn những nhân viên kinh doanh tư vấn giỏi, thuyết phục tốt",
Tổng giám đốc Trần Đức Diễn cho hay.
Cùng đó, do khoảng cách địa lý chủ đầu tư thường phải tổ chức
chương trình tham quan giới thiệu dự án, tiền di chuyển khá tốn kém
khiến tăng các chi phí truyền thông, bán hàng. "Đây cũng là điểm cạnh
tranh mà các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hiện nay phải lưu tâm
khi quyết định đầu tư tại các tỉnh", vị này nói.